18/09/2014 | lượt xem: 3 Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng Là yêu cầu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng tại buổi làm việc với đại diện Cục Chống tham nhũng (Cục IV), Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ và các thành viên Tổ biên tập lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Theo Dự thảo, Thông tư này quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, xác định nguyên tắc hướng tới trong việc nhận định tình hình và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, đó là bảo đảm tính khách quan, toàn diện, trung thực, rõ ràng và công khai trong nhận định và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Đây cũng chính là Thông tư thay thế Thông tư 11/2011/TT-TTCP ngày 01/11/2011 và dự kiến Thông tư sẽ được ban hành vào đầu năm 2015. Nội dung Thông tư cho thấy, việc nhận định hình tham nhũng được thể hiện ở mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng. Căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung hoặc cụ thể hóa các nội dung về nhận định tình hình tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình theo ngành, lĩnh vực hoặc tại địa phương. Mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng phản ánh tình trạng lặp đi lặp lại của hành vi tham nhũng xảy ra trong phạm vi một ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trên phạm vi toàn quốc, được đo lường bằng số vụ việc có hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Mức độ thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng là giá trị sai phạm do hành vi tham nhũng gây ra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận và quyết định thu hồi, xử lý về kinh tế hoặc tịch thu trong các vụ việc có hành vi tham nhũng và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, việc nghiên cứu và xây dựng Thông tư là hết sức cần thiết. Theo đó Phó Tổng Thanh tra yêu cầu, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa để hoàn thiện Thông tư./.
Thanh tra tỉnh Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 và định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024
Khối thi đua các cơ quan tham mưu Nội chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Thanh tra tỉnh Hưng Yên dự Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, Phương hướng nhiệm vụ năm 2024
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra