04/03/2011 | lượt xem: 3 Để chống tham nhũng thành công: Nếu quyết tâm, chẳng có thách thức nào cả! (Thanh tra PCTN)- Thời gian qua, với những quyết tâm, nỗ lực cao, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực về cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả của công tác PCTN đã có bước tiến triển. Thực tế này đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Nhân dịp Xuân Tân Mão, phóng viên Báo Thanh tra đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam xung quanh nhận định này. Thanh tra Chính phủ đóng vai trò quan trọng Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn PV: Là người đứng đầu TT, bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực PCTN của Việt Nam thời gian qua? Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: Đầu tiên, cần phải khẳng định là các nỗ lực và cam kết về PCTN của Chính phủ Việt Nam rất đáng được ghi nhận. Trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện cơ bản về thể chế, bao gồm Luật PCTN năm 2005, Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về CTN… Gần đây, Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực củng cố cơ chế thúc đẩy xã hội và người dân tham gia PCTN như sẽ xây dụng cơ chế bảo vệ người tố cáo (trong Dự thảo Luật Tố cáo). Chủ đề tham nhũng so với những năm trước cũng được bàn luận sôi nổi hơn ở Việt Nam thông qua phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc đối thoại thường niên giữa đại diện các cơ quan hữu quan của Việt Nam như Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, Thanh tra Chính phủ (TTCP) và đại điện các nhà tài trợ ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức trong công tác PCTN ở Việt Nam là làm sao phải thu hẹp nhanh hơn nữa khoảng cách giữa đường lối, quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn. PV: Trong thành quả chung đó, theo bà, vai trò của TTCP là gì? Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: TTCP đạt được một số thành tựu trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng như giúp Chính phủ xây dựng và hoạch định chiến lược, chính sách về PCTN. Để hoàn thiện và cho ra đời một khối lượng văn bản pháp lý quan trọng về PCTN như hiện nay, không thể không kể đến sự đóng góp và vai trò to lớn của TTCP. Nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng bị phát hiện và xử lý. Nhiều nỗ lực tích cực góp phần nâng cao chất lượng ngày càng tốt hơn cho các kỳ đối thoại về PCTN do TTCP phối hợp tổ chức cần được ghi nhận. Tuy nhiên, vai trò của TTCP trong thực thi công tác PCTN còn nhiều bất cập trong thời gian qua. Ví dụ, còn bị hạn chế về chức năng quản lý Nhà nước về PCTN (vì chức năng này chưa được đề cập trong Luật Thanh tra năm 2004). Tôi hy vọng rằng, khi Luật Thanh tra sửa đổi năm 2010 thực sự đi vào cuộc sống thì chức năng và thẩm quyền của TTCP sẽ mang tính độc lập và rõ nét hơn. Ví dụ, TTCP sẽ được chủ động hơn trong việc xây dựng định hướng chương trình hoạt động của mình. “Việt Nam hiện còn một khoảng trống về kiến thức và nghiên cứu có chất lượng dựa trên thực chứng giúp cho việc xây dựng chính sách mang tính chiến lược, có trọng tâm trong PCTN” - Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn. Phải thực thi kiến nghị sau mỗi kỳ đối thoại PV: Hàng năm, trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ thường diễn ra đối thoại về PCTN do Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN, TTCP phối hợp với các nhà tài trợ quốc tế và cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức. Hoạt động này được đánh giá là cần thiết, nhưng cũng có quan niệm cho rằng cần phải thiết thực hơn nữa. Bà có đồng ý như vậy? Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: Như chúng ta đã biết, ở Việt Nam hàng năm có hai kỳ đối thoại về PCTN được diễn ra giữa cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế và đại diện các cơ quan hữu quan của Việt Nam, diễn ra trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ. Đầu tiên phải nói đây là một sáng kiến khá độc đáo của Chính phủ Việt Nam, được cộng đồng các tổ chức quốc tế đánh giá cao, tạo ra diễn đàn trao đổi, đối thoại cởi mở mang tính trách nhiệm và xây dựng giúp Việt Nam đạt hiệu quả tốt hơn trong giảm thiểu tham nhũng trong những chủ đề được lựa chọn đối thoại. Đúng là có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về hiệu quả cũng như thách thức của các kỳ đối thoại. Theo tôi, một trong những thách thức lớn nhất là làm sao để thực thi một cách nghiêm túc và hiệu quả hơn nữa những vấn đề, kiến nghị đã được nêu ra trong các kỳ đối thoại. Thách thức tiếp theo là làm sao để tinh thần “đối thoại” không chỉ dừng lại ở hai kỳ hàng năm mà nên được tổ chức thường xuyên hơn, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều địa phương khác nhau hơn để thảo luận về tham nhũng không còn bị coi là chủ đề “tế nhị” nữa. Có như vậy, kết quả từ đối thoại mới được phát huy tác dụng. Cần sự tham gia của truyền thông PV: Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng quyền tiếp cận thông tin cho người dân. Đặc biệt, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam rất coi trọng vai trò của báo chí, luôn yêu cầu các cơ quan chức năng chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng. Nhưng, nhiều khi báo chí vẫn “than ” về việc khó có được nguồn tin chính thống, mà dẫn lại thông tin không phải từ người phát ngôn cũng đồng nghĩa với việc chưa chắc đã… an toàn. Trong khi đó, các nhà báo luôn được khuyến khích bóc trần các vụ tham nhũng cũng như truyền thông cởi mở là yếu tố quan trọng hàng đầu của cuộc chiến CTN. Theo bà, liệu đây có phải là thách thức khó vượt qua? Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền phát biểu tại Hội nghị “Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai”, ngày 25/11/201, tại Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: Tôi tin là có quyết tâm cao và thực sự muốn CTN thì Việt Nam sẽ vượt qua bất cứ thách thức nào. Việt Nam đã xác định báo chí đóng vai trò vô cùng quan trọng trong PCTN, điều này được thể hiện rất rõ trong các văn bản pháp lý về PCTN (Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020, Nghị định 47/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong việc PCTN…). Thực tế, qua kinh nghiệm hoạt động của TI trên toàn cầu, tôi cũng có thể nói rằng, để có cuộc đấu tranh CTN nghiêm túc cần có sự tham gia của giới truyền thông với đầy đủ tự do quyền hạn. Nhưng, một điều rất quan trọng nữa là các nhà báo cần phải được đào tạo và tập huấn tốt để viết về các vấn đề liên quan đến tham nhũng một cách có trách nhiệm vì đây là một chủ đề phức tạp. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế để bảo vệ các nhà báo khi họ bị đe dọa. Sắp tới, việc tiếp tục hoàn thiện và sớm cho ra đời Luật Tiếp cận Thông tin để quy định rõ hơn nữa trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan chức năng, cũng như đưa ra các chế tài xử lý vi phạm cung cấp thông tin sẽ giúp Việt Nam tăng cường minh bạch thông tin - một công cụ giúp PCTN ở Việt Nam hiệu quả hơn. Các cơ chế bảo vệ người “thổi còi” cũng sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng giúp các nhà báo tác nghiệp một cách tự tin hơn. Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đấu tranh PCTN là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của toàn xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tháng 7/2006, ngay từ đầu khóa, Hội nghị T.Ư 3 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN”. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành T.Ư Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về PCTN, tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị và vai trò, trách nhiệm của Đảng trong cuộc đấu tranh PCTN. Trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm đến công tác PCTN. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của cuộc PCTN, ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, trong đó có quy định thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN. Hàng năm, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt, đánh giá kết quả PCTN. Hàng năm, Quốc hội đều nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác PCTN. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát về PCTN. Công tác PCTN là một nội dung chính trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Các bộ, ngành T.Ư và các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác PCTN bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện. (Trích đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác PCTN trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng do Ban Bí thư T.Ư tổ chức cuối tháng 11/2010 tại Hà Nội). Minh bạch hóa viện trợ PV: Tại một số nước, tiền viện trợ của quốc tế không đến tay người nghèo - người cần trợ giúp nhất, vì tham nhũng. Để điều này không xảy ra ở Việt Nam, bà có muốn đưa ra khuyến cáo nào với các nhà chức trách Việt Nam? Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: Hiện nay, theo chúng tôi được biết, chưa có một đánh giá và nghiên cứu sâu nào về chủ đề mà câu hỏi đề cập. Tuy nhiên, Việt Nam cũng như ở một số nước đang phát triển trên thế giới cũng đã gặp phải một số vụ việc liên quan đến tham nhũng trong sử dụng viện trợ quốc tế. Ở Việt Nam chúng ta thấy 2 vụ được báo chí đề cập đến nhiều là PCI và PMU 18. Chúng ta có thể đặt lại câu hỏi này theo cách như sau: Hiệu quả viện trợ quốc tế ở Việt Nam được hiểu như thế nào? Người dân, đặc biệt là người nghèo - những người là đối tượng được hưởng lợi từ viện trợ quốc tế ở Việt Nam có thông tin về viện trợ quốc tế và hiệu quả của viện trợ quốc tế hay không? Chúng ta biết, Việt Nam là một nước có cam kết cao về tăng cường hiệu quả viện trợ quốc tế giúp đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ - MDGs. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn mà Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có tệ tham nhũng, đang đòi hỏi cần phải có nhiều nỗ lực hơn nữa. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong giảm nghèo, nhưng chưa đủ. Một trong những biện pháp mà Việt Nam hiện cần phải thúc đẩy là tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình và tính minh bạch đối với công chúng về các kết quả phát triển và việc sử dụng các nguồn lực phát triển. Việc huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự (để giúp tối đa hóa đóng góp của họ cho sự phát triển) và đặc biệt là minh bạch hóa viện trợ… sẽ là những biện pháp hữu hiệu. TI được ra đời cách đây gần 2 thập kỷ cũng xuất phát từ các mối quan ngại về tham nhũng trongviện trợ và tác động của tham nhũng đến người nghèo. Một số công cụ của TI có thể được vận dụng ở đây, ví dụ như Cam kết về Liêm chính (Integrity Pact) thúc đẩy minh bạch trong đấu thầu công hay là các Cam kết Phát triển (Development Pacts) hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chống tham nhũng PV: Xin bà cho biết, trong thời gian tới TT nói riêng, TI nói chung, sẽ có những hỗ trợ hoặc hợp tác với các đối tác Việt Nam như thế nào trong lĩnh vực PCTN? Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn: Hợp tác đối tác, củng cố và xây dựng mối quan hệ liên minh, liên kết với các cơ quan hữu quan từ khối Nhà nước, tư nhân cũng như các tổ chức xã hội, các viện nghiên cứu và cơ quan báo chí sẽ tiếp tục là một trong những nguyên tắc hoạt động quan trọng trong chương trình hành động của TI ở Việt Nam, giai đoạn 2009 - 2012. Hiện nay, chúng tôi đã và đang phối hợp rất chặt chẽ và tích cực với một số cơ quan chủ chốt về PCTN như TTCP, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN… Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện để thúc đẩy hai mảng hoạt động chính là hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu về tham nhũng ở Việt Nam; truyền thông, nâng cao nhận thức về tham nhũng và phổ biến, nội địa hóa một số công cụ cũng như kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới về PCTN của TI. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động liên quan nhằm đóng góp tích cực về nội dung kỹ thuật cho các kỳ đối thoại về PCTN của Chính phủ Việt Nam. Gần đây chúng tôi đã tiến hành chia sẻ kết quả một số nghiên cứu và khảo sát do TI tiến hành trên thế giới và Việt Nam. Những kinh nghiệm quốc tế của TI về đánh giá tham nhũng đã được Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về PCTN và các cơ quan hữu quan đánh giá cao, giúp Việt Nam có thêm cơ sở khoa học để nhìn nhận về tình hình tham nhũng và nỗ lực trong công tác PCTN ở Việt Nam. Hiện nay, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu nhận dạng tham nhũng trong một số lĩnh vực như giáo dục, y tế và tìm hiểu quan điểm thanh niên ở Việt Nam về liêm chính và tham nhũng... Bởi vì, trên thực tế, Việt Nam hiện còn một khoảng trống về kiến thức và nghiên cứu có chất lượng dựa trên thực chứng giúp cho việc xây dựng chính sách mang tính chiến lược, có trọng tâm trong PCTN. PV: Xin cảm ơn bà về cuộc đối thoại này! Đỗ Công Định
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng