11/07/2017 | lượt xem: 2 Giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài khu vực Miền Bắc Ngày 30/06/2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cùng Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài với các tỉnh, thành phố khu vực Miền Bắc. Tham dự có Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Hà Giang, TP Hải Phòng, Ninh Bình…; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban tiếp công dân và Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và giải quyết KNTC phức tạp, kéo dài nói riêng theo Kế hoạch 1130 và 2100 của Thanh tra Chính phủ; góp ý Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và định hướng chương trình thanh tra năm 2018 của TTCP và Ngành thanh tra. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh điều hành Hội nghị Theo báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân khu vực phía Bắc tuy có giảm về số lượt người và số đoàn đông người nhưng lại xuất hiện nhiều vụ việc có tính chất gay gắt, phức tạp, có hành vi vi phạm pháp luật như vụ việc khiếu kiện, giữ người trái pháp luật tại Thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội (4/2017); vụ việc tập trung đông người phản đối, ngăn cản cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng tỉnh lộ 277 đoạn từ thị xã Từ Sơn đến thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) tỉnh Bắc Ninh (4/2017); khiếu kiện của hàng trăm hộ dân liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn qua thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; vụ việc trên 200 hộ tiểu thương phản đối di chuyển Chợ Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), đơn thư của công dân liên quan Chợ Ninh Hiệp (Hà Nội); khiếu kiện của các đoàn đông người tại Hà Nội phản ánh liên quan thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng Khu đô thị tại phường Dương Nội (Hà Đông), phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), công dân quận Hoàng Mai… Đa số các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp tại các tỉnh thành phố khu vực Miền Bắc (cũng như cả nước nói chung) thời gian vừa qua, hầu hết là các vụ việc cũ để lại, đã được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết nhiều lần, tuy nhiên công dân vẫn khiếu kiện với thái độ gay gắt, bức xúc, ít nhiều ảnh hưởng tình tình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là tại các thời điểm diễn ra Kỳ họp Trung ương, họp Quốc hội... Nguyên nhân của tình trạng này là do: Chính sách pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất; một số vụ việc do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc khiếu nại nhiều năm; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn có nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, tái định cư… Có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không xây dựng mà để hoang; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm, có những việc làm chưa đầy đủ trách nhiệm, thời hạn giải quyết kéo dài, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục…Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại tố cáo sai còn khá nhiều, chưa có xu hướng giảm. Có những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý có tình, đã kiểm tra rà soát, trả lời, có văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài. Pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những thiếu sót, hạn chế như về vị trí, vị thế, quyền hạn, tổ chức hoạt động của ngành thanh tra còn hạn chế nhất định so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; về mô hình tổ chức, vai trò, quyền hạn của Ban tiếp công dân Trung ương, Ban tiếp công dân tại các địa phương còn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; chế tài xử lý đối với việc vi phạm pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quy định cụ thể… Các đại biểu tham luận tại hội nghị Về kết quả giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP và Kế hoạch 2100/KH-TTCP, đến nay, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong khu vực phía Bắc đã xem xét giải quyết 146/146 vụ việc (đạt tỷ lệ 100%) trong tổng số 528 vụ việc trên cả nước theo Kế hoạch số 1130/KH-TTCP; xem xét giải quyết được 179/191 vụ việc, đạt 93,7%, theo kế hoạch 2100/KH-TTCP, trong đó đã ban hành thông báo chấm dứt giải quyết 66 vụ việc, đang chờ ra thông báo chấm dứt 107 vụ việc, công dân khởi kiện ra tòa 05 vụ việc, công dân tự nguyện rút đơn 01 vụ việc, còn lại 12 vụ việc đang giải quyết gồm: Ninh Bình, Cao Bằng: 3 vụ việc, Lạng Sơn: 2 vụ việc, Lào Cai, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ: 1 vụ việc. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu kết luận Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130 và 2100 của TTCP và khẳng định, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, của thủ trưởng các cơ quan nhà nước, nhất là Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tổng Thanh tra Chính phủ đặc biệt lưu ý các địa phương phía Bắc quan tâm tới những nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan tới đất đai, tôn giáo; lưu ý các địa phương không chủ quan với việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng; chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở để không phát sinh thêm các vụ việc phức tạp mới; tăng cường thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cấp, ngành trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quan tâm tới việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân. Đối với việc thực hiện chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện; phối hợp với Kiểm toán cũng như thanh tra các bộ, ngành để xử lý chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra; đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm xử lý chồng chéo giữa thanh tra tỉnh, thành phố với các sở, ngành, huyện thị trong tỉnh..Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý các địa phương trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra năm 2018 của TTCP vận dụng vào tình hình thực tế của mỗi địa phương để sớm xây dựng chương trình thanh tra năm 2018 của địa phương mình, từ đó có điều kiện xử lý sớm việc thanh tra chồng chéo. http://www.thanhtra.gov.vn
Thanh tra tỉnh Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 và định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024
Khối thi đua các cơ quan tham mưu Nội chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Thanh tra tỉnh Hưng Yên dự Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, Phương hướng nhiệm vụ năm 2024
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra