Họp Ban Soạn thảo Nghị định Bảo vệ người tố cáo

(Thanh tra) - Chiều ngày 22/3, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ đã diễn ra buổi họp giữa các thành viên Ban Soạn thảo Nghị định Bảo vệ người tố cáo. Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Soạn thảo chỉ đạo buổi họp.



Tại buổi họp, các thành viên Ban Soạn thảo đã đưa ra những ý kiến thảo luận nhằm xây dựng, điều chỉnh các quy định chi tiết về biện pháp bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo.

Theo đó, Nghị định Bảo vệ người tố cáo sẽ được áp dụng cho người tố cáo và người thân của người tố cáo, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo.

Nguyên tắc cơ bản của các biện pháp bảo vệ người tố cáo là sự bảo đảm nhanh chóng, kịp thời khi ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; không lợi dụng việc áp dụng các biện pháp bảo vệ để xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo, người thân của người tố cáo, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức khác; thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong buổi họp, các thành viên Ban Soạn thảo cũng tiến hành thảo luận về các biện pháp bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo bao gồm cơ quan tiếp nhận, xử lý đơn thư tố cáo và cơ quan thực thi việc bảo vệ người tố cáo; ngân sách bảo đảm cho việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trong đó đưa ra một số hình thức, biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ người tố cáo về cả tính mạng, sức khỏe, các quyền lợi về vật chất lẫn tinh thần và trách nhiệm, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo.
 

Các thành viên Ban Soạn thảo làm việc tại buổi họp
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh, Trưởng Ban Soạn thảo yêu cầu các thành viên xác định rõ trong Nghị định những đối tượng, cá nhân có liên quan tới người tố cáo được xét vào diện cần được bảo vệ. Cần áp dụng biện pháp cụ thể, phù hợp nhằm bảo vệ cho người tố cáo tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc bị tố cáo. Cần chia các biện pháp bảo vệ thành từng nhóm, mỗi nhóm bảo vệ một quyền lợi riêng của đối tượng được xét vào diện cần được bảo vệ như bảo vệ sức khỏe, nhân phẩm; bảo vệ tài sản; bảo vệ công ăn việc làm; bảo vệ quyền lợi học hành, qua đó có thể dễ dàng xác định các đối tượng cần được bảo vệ.

Ngoài ra, Phó Tổng Thanh tra cũng nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo cần có sự phối hợp chặt chẽ để thực thi nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Cụ thể là cơ quan tiếp nhận, giải quyết đơn thư tố cáo phải có trách nhiệm liên hệ, đề nghị các cơ quan chức năng, tổ chức có điều kiện phối hợp, liên kết nhằm thực thi việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền lợi của người tố cáo và người được xét vào diện cần được bảo vệ một cách hiệu quả nhất.

Theo dự kiến, ngày 27/3 tới đây, các thành viên trong Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục thảo luận nhằm hoàn tất việc xây dựng, chỉnh sửa Nghị định theo đúng tiến độ được giao.

P.V.Long

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
59 người đang online