Lịch sử truyền thống ngành Thanh tra

Thanh tra Việt Nam ra đời, gắn liền với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam. Lịch sử phát triển và tồn tại của ngành Thanh tra Việt Nam gắn liền với quá trình vận động, đổi mới không ngừng của bộ máy hành chính nhà nước.

65 năm qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng đến công tác thanh tra, dành nhiều thời gian, công sức quan tâm xây dựng, kiện toàn các cơ quan thanh tra cho phù hợp với nhiệm vụ quản lý của bộ máy nhà nước; đồng thời khẳng định rõ Hoạt động thanh tra là chức năng thiết yếu của công tác quản lý nhà nước, đã góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trước đây, và ngày nay là sự nghiệp phát triển kinh tế, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội.
 
Có thể thấy, qua mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử, ngành Thanh tra luôn thể hiện được vai trò trách nhiệm của mình mà không cơ quan nào có thể thay thế được. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thì ngày 23/11/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban thanh tra đặc biệt, nhằm giải quyết những yêu cầu cấp thiết trước mắt đó là thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân từ khắp các địa phương gửi lên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và từ đó, Ban thanh tra đặc biệt đã trở thành tiền thân của ngành thanh tra Việt Nam, ngày 23/11/1945 là cột mốc đánh dấu sự ra đời của ngành thanh tra Việt Nam.
 
Giai đoạn từ năm 1945-1949, đây là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngay từ những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận điểm quan trọng về yêu cầu, mục đích và nhiệm vụ của công tác thanh tra. Đồng thời, Người cũng nêu rõ quan điểm về tiêu chuẩn cán bộ thanh tra. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín”. Đó là những tư tưởng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra. Tư tưởng đó soi sáng mọi hoạt động của Ban Thanh tra đặc biệt, đồng thời đặt cơ sở, nền móng cho việc xây dựng hệ thống tư tưởng, tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra sau này. Mặc dù tổ chức của Ban thanh tra đặc biệt còn đơn giản, tuy nhiên trong giai đoạn kháng chiến, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đã góp phần tạo ra mối liên hệ giữa trên và dưới, giữa lãnh đạo và quần chúng nhằm đảm bảo tính chất chính quyền của dân, do dân và vì dân. Cùng với vai trò đó, công tác thanh tra còn bảo đảm phòng ngừa và ngăn chặn tệ quan liêu, lãng phí, tham ô, sách nhiễu dân chúng. Với những thành tựu đạt được, ngành thanh tra đã góp phần tạo ra được sự tin tưởng của nhân dân vào đường lối cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta hướng tới mục tiêu chung là “Kháng chiến thắng lợi”.
 
Giai đoạn 1949-1954, trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, giao thông liên lạc giữa các khu, các tỉnh càng trở lên khó khăn, việc chấp hành đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và Chính phủ cần phải được kiểm tra chặt chẽ, nhận thấy Ban thanh tra đặc biệt không còn phù hợp với tình hình hiện tại, vì vậy ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 138B-SL thành lập Ban Thanh tra Chính phủ. Tổ chức hệ thống Ban Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn này có sự phối hợp chặt chẽ với Ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
 
Các Đoàn thanh tra trong giai đoạn này chú trọng vào việc thanh tra việc chấp hành Sắc lệnh tổng động viên; việc thực hiện chính sách ruộng đất, thuế nông nghiệp; việc chuẩn bị các chiến dịch quân sự lớn; thanh tra về tình hình chi tiêu tài chính, thống nhất quản lý ngân sách. Đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều việc làm sai của các cấp chính quyền ở một số địa phương, đồng thời phát hiện nhiều địa phương vi phạm chính sách tôn giáo của Chính phủ, chính quyền một số nơi có những hành vi quân phiệt, doạ dẫm, truy bức quần chúng... Để giải quyết triệt để tình hình này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo việc sửa chữa những khuyết điểm, sai lầm, đồng thời, Người trực tiếp viết thư cho đồng bào những nơi chính quyền mắc khuyết điểm, nhân danh Chính phủ nhận lỗi trước đồng bào và hứa sẽ sửa chữa những sai lầm do các cấp chính quyền gây ra. Việc làm này đã góp phần củng cố khối đoàn kết toàn dân - nền tảng sức mạnh của công cuộc kháng chiến, kiến quốc.
 
Hoạt động thanh tra trong giai đoạn này mặc dù chỉ là tạm thời dừng lại để tập trung toàn lực phục vụ nhiệm vụ cấp bách của cuộc kháng chiến. Tuy nhiên, có thể nói, hoạt động của Ban Thanh tra Chính phủ trong giai đoạn này đã góp phần tích cực giúp Trung ương và Chính phủ xem xét việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách ở các cấp, các ngành, các địa phương, đồng thời thúc đẩy và cải tiến công tác, củng cố mối quan hệ quân, dân, Chính, Đảng. Góp phần vào công cuộc giải phóng  và xây dựng chủ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Giai đoạn 1954-1960, miền Bắc vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã hành công cuộc phục hồi kinh tế sau chiến tranh, phát triển kinh tế văn hoá, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trước tình hình Ban Thanh tra Chính phủ đã không còn đáp ứng được nhiệm vụ mới, ngày 28/03/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 261/SL về việc thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ.
 
Trong giai đoạn này, ngành thanh tra tập trung vào tiến hành thanh tra về tình hình khôi phục và phát triển sản xuất, về phong trào đổi công, chống tham ô lãng phí, về việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, việc xây dựng cơ bản, về kho tàng, bình ổn giá cả… Qua đó, ngành thanh tra đã phát hiện được một số lệch lạc và một số thiếu sót của các cơ quan và cán bộ cấp dưới trong việc chấp hành chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là việc thực hiện sửa sai trong cải cách ruộng đất. Khi phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, thư khiếu nại của cán bộ và nhân dân ngày càng nhiều, chính vì vậy mà Phòng xét khiếu tố thuộc Ban thanh tra Trung ương đã chính thức ra đời trong thời gian này.
 
Trong giai đoạn này, Ban thanh tra Trung ương vừa xây dựng, ổn định tổ chức, vừa tiến hành các cuộc thanh ta, các vụ việc khiếu tố, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Các kết quả và kiến nghị của các cuộc Thanh tra đã giúp Đảng và Chính phủ có những chính sách phù hợp hơn đối với các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quản lý cán bộ, hạn chế những tiêu cực, góp phần làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
 
Giai đoạn 1960-1965, đây là giai đoạn mà Nhà nước ta tiến hành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), tất cả các ngành đều tập trung vào những nhiệm vụ trọng yếu của kế hoạch này. Trong tình hình mới, Ban Thanh tra Trung ương được đổi tên thành Ủy Ban thanh tra, theo Lệnh số 18/LCT ngày 26/7/1960 về việc công bố Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ.
 
Trong những năm 1961-1962, nhiệm vụ của ngành thanh tra là tập trung vào thanh tra công tác của các ngành, chủ yếu là những ngành kinh tế, trong đó chú trọng vào sản  xuất công nghiệp, nông nghiêp, xây dựng cơ bản, kinh doanh thương nghiệp. Từ năm 1962-1965, thì ngành thanh tra tập chung chủ yếu vào thanh tra việc thực hiện cuộc vận động “ba xây, ba chống” và “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh và vững chắc”. Kết quả và các kiến nghị của các cuộc thanh tra trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, góp phần phát triển nền kinh tế, đưa nền kinh tế lên một tầm cao mới.
 
Giai đoạn 1965-1975, đây là giai đoạn mà ngành thanh tra thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước. Ngày 25/03/1965, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương họp đã nhận định cả nước có chiến tranh. Miền Bắc phải chuyển hướng về tư tưởng và tổ chức, tăng cường lực lượng quốc phòng cho phù hợp, Ủy Ban  Thanh tra của Chính phủ bị giải thể, chỉ còn các Ban thanh tra của các bộ, ngành. Vì vậy, mối quan hệ giữa các cơ quan thanh tra gần như là không có, không có sự chỉ đạo thống nhất của ngành thanh tra. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số chính sách của Đảng và nhà nước bị vi phạm, công tác quản lý kinh tế buông lỏng, đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân chậm được xử lý.
 
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta nhận định cần chấn chỉnh hệ thống tổ chức thanh tra, bổ sung và kiện toàn bộ máy cho tương xứng với nhiệm vụ tăng cường mối quan hệ chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan thanh tra góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và công tác quản lý nhà nước. Ngày 11/8/1969, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết Số 786/NQ-TVQHK6 quyết định việc thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
 
Trong giai đoạn này công tác thanh tra giữ một vai trò quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý bộ máy nhà nước, nhiệm vụ của thanh tra đó là: Thanh tra kinh tế, nhất là thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước; Kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết cấp trên; Giúp các cơ quan, đơn vị được thanh tra nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ, công nhân, viên chức. Ngoài ra còn thực hiện các cuộc thanh tra vụ đột xuất do Trung ương Đảng, Chính phủ hoặc cấp ủy và chính quyền địa phương giao. Nhìn chung các cuộc thanh tra được tiến hành nhanh, gọn, kịp thời, dứt điểm, ít có những cuộc kéo dài hoặc bỏ dở, ít gặp những vấp váp với đơn vị được thanh tra. Qua đó có những báo cáo nhanh, trao đổi trực tiếp với ngành hoặc đơn vị có liên quan để khắc phục những thiếu xót.
 
Giai đoạn 1975-1990, nước nhà thống nhất chúng ta bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở cả hai miền Nam, Bắc. Trong giai đoạn này, ngành thanh tra đã không ngừng hoàn thiện về mặt tổ chức và hoạt động, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các quy định về tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra chính phủ; tổ chức và hoạt động của các Ban thanh tra ở các Bộ ngành, Trung ương; việc thành lập Ban thanh tra nhân dân và tổ chức và hoạt động của nó… Đặc biệt trong giai đoạn này, Pháp lệnh quy định về việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân được ban hành góp phần quan trọng vào công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
 
Các cuộc thanh tra trong giai đoạn này tập trung vào những vấn đề kinh tế, đời sống như thanh tra việc chấp hành các chỉ thị, nghị quyết quan trọng của Đảng, Nhà nước về chống tham ô, móc ngoặc, chống quan liêu cửa quyền gây phiền hà cho dân; thanh tra về tăng cường và cải tiến công tác quản lý, về mở rộng quy mô đưa hợp tác xã nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Với những kết quả đạt được, các Đoàn thanh tra đã giúp Đảng và nhà nước đề ra các yêu cầu kế hoạch, biện pháp, tổ chức để đấu tranh và ngăn chặn các hiện tượng trộm cắp, ức hiếp quần chúng; làm rõ những nguyên nhân sai phạm của một số nhà máy xí nghiệp, kiến nghị truy tố trước pháp luật những người thiếu tinh thần trách nhiệm gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước và công dân; các cuộc thanh tra còn làm rõ được tình hình yếu kém, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống bộ máy nhà nước. Qua đó cũng tháo gỡ hàng loạt những khó khăn, vướng mắt cho nhiều cơ quan đơn vị có những giải pháp cụ thể cho hoạt động của mình.
 
Có thể nói, giai đoạn này là chặng đường đi lên đầy thử thách cho ngành thanh tra Việt Nam. Bởi vì, đó là giai đoạn chuyển mình của ngành trong điều kiện đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, biến động. Ngành thanh tra vừa phải hoàn thành những trọng trách lớn lao, nặng nề vừa phải đổi mới, củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức và lực lượng đội ngũ thanh tra. Tuy nhiên những thành công trong giai đoạn này của ngành thanh tra thực sự là một bước tiến dài trong lịch sử của ngành thanh tra Việt Nam.
 
Giai đoạn 1990 đến nay, công cuộc đổi mới đã thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện. Song bên cạnh những thành tựu đạt được thì các hiện tượng tiêu cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội cũng gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
 
Ngày 01/04/1990, Pháp lệnh thanh tra được ban hành, đó là sự cố gắng, là kết quả bao năm bền bỉ phấn đấu của lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức ngành Thanh tra nhằm có được một cơ sở pháp lý, xác định rõ vị trí của công tác thanh tra trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và Nhà nước ta. Pháp lệnh đã có những quy định cụ thể về vị trí của Thanh tra nhà nước, chức năng của thanh tra nhà nước, và làm rõ được tầm quan trọng của công tác thanh tra trong hệ thống cơ quan nhà nước.
 
Trong giai đoạn này, hoạt động của ngành thanh tra tập trung vào các vấn đề đó là thanh tra kinh tế-xã hội; giải quyết khiếu nại tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Do những yêu cầu trong nhiệm vụ của Thanh tra nhà nước, Pháp lệnh thanh tra được thay thế bởi Luật thanh tra, Pháp lệnh khiếu nại, tố cáo được thay thế bởi Luật khiếu nại tố cáo, và để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thì ngành Thanh tra đã giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phòng chống tham nhũng.
 
Tận tụy và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, hết lòng những năm đổi mới, ngành thanh tra đã phát hiện và thu hồi cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng; đồng thời nêu ra đề xuất, kiến nghị giúp nhà nước, các cơ quan bị thanh tra chấn chỉnh công tác quản lý, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách qua đó tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội, cũng như góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, và toàn cầu.
 
Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thanh tra Việt Nam (23/11/1945 -23/11/2010), chúng ta có thể tự hào rằng, ngành thanh tra đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, phát triển kinh tế, giữ gìn kỷ cương, trật tự xã hội. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, ngành thanh tra đã và đang khẳng định rõ được được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống cơ quan nhà nước mà không có cơ quan nào có thể thay thế được. Ngành thanh tra tự hào đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó và sẽ tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa những nhiệm vụ của mình trong những chặng đường phía trước, xứng đáng với sự tin yêu của Chính phủ, sự mến phục của nhân dân. Và thanh tra Việt Nam sẽ mãi mãi là “Tai mắt của trên, người bạn của dưới” như lời Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã dạy./.

TS. Nguyễn Quốc Hiệp – Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ.

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
53 người đang online