19/09/2014 | lượt xem: 2 Nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn hiện nay - Nhân hội nghị trực tuyến về phổ biến, quán triệt Luật Tiếp công dân (TCD), Nghị định số 64/2014/NĐ-CP của Chính phủ và triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị diễn ra hôm nay (19/9), Báo Thanh tra trân trọng giới thiệu bài viết của Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh - phụ trách công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC). Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, giám sát của Quốc hội cùng sự điều hành quyết liệt của Chính phủ bằng hàng loạt giải pháp cụ thể của Thanh tra Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tình hình KN,TC đã có xu hướng giảm dần; an ninh trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, góp phần giành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân và người lao động. Đáng chú ý, trong các năm 2013, 2014 Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, triển khai Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ nhằm rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC tồn đọng, kéo dài nhiều năm trước đây. Việc thực hiện Kế hoạch này đã xem xét, giải quyết cơ bản các vụ việc KN,TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, từ đó tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết KN,TC và góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Qua hơn 1 năm thực hiện, đã tổng kết Kế hoạch với kết quả giải quyết được 494/528 vụ việc (đạt tỷ lệ 93,56%), đồng thời đánh giá những điểm được, những hạn chế trong quá trình triển khai, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013, kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp, tồn đọng với cách làm mới là giành sự chủ động cho các địa phương. Thanh tra Chính phủ với chức năng quản lý Nhà nước hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp với các địa phương, bộ, ngành thống nhất biện pháp giải quyết các vụ việc. Tuy nhiên, tình hình KN,TC mặc dù có xu hướng giảm hơn so với các năm trước, nhưng xét về tính chất, số lượt các đoàn đông người lại tăng. Đáng chú ý là các đoàn khiếu kiện đông người có sự tổ chức chặt chẽ, tính chất bức xúc, manh động gia tăng rõ rệt. Vậy nguyên nhân ở đây là gì khi các giải pháp được đưa ra, với sự chỉ đạo ráo riết nhưng vẫn chưa kiềm chế được tình trạng KN,TC đông người, vượt cấp hiện nay? Qua thực tế công tác quản lý Nhà nước, thấy rằng: Nguyên nhân chủ yếu vẫn là sự bất cập, còn có điểm chưa phù hợp thực tế của chính sách pháp luật hiện hành, đặc biệt là các chính sách liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án; công tác quản lý kinh tế ở một số địa phương, bộ, ngành còn biểu hiện nhiều vi phạm chậm được khắc phục, xử lý, nhất là về các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; cơ chế giải quyết KN,TC còn nhiều điểm chưa phù hợp, còn lúng túng; công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC. Đáng lưu ý là, một số thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm về công tác TCD và giải quyết KN,TC theo quy định của pháp luật, việc khắc phục sai phạm, xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức chưa chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác TCD và tham mưu giải quyết KN,TC chưa được quan tâm, củng cố đúng mức. Chất lượng giải quyết KN,TC còn nhiều sai sót. Tình trạng giải quyết KN,TC còn chậm, làm công dân bức xúc, việc thực hiện các quyết định giải quyết KN,TC đã có hiệu lực pháp luật chưa triệt để, việc chấp hành chỉ đạo, điều hành và kỷ luật, kỷ cương thiếu nghiêm túc, biểu hiện ở một số địa phương “trên nói, dưới chưa nghe”, vụ việc KN,TC của công dân còn để kéo dài, chậm được giải quyết dứt điểm. Để làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC trong thời gian tới, các cơ quan Nhà nước cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, thông qua các nhóm giải pháp như sau: - Thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật của Luật KN, Luật TC, Luật TCD và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012, các Thông báo số 178/TB-VPCP, 179/TB-VPCP ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ... về công tác TCD, giải quyết KN,TC. - Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực KN,TC. Chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh KN,TC như: Quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng; tập trung giải quyết các vụ việc KN,TC khi mới phát sinh ngay từ cơ sở; nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết KN,TC; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật, không để tiếp khiếu; tập trung giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, không để công dân phải chờ lâu, bức xúc dẫn đến KN vượt cấp; - Tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về TCD, giải quyết KN,TC; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong việc TCD, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TCD, giải quyết KN,TC; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giải quyết KN,TC để phục vụ việc quản lý, chỉ đạo, giải quyết các vụ việc. - Thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước phải coi trọng, thực hiện nghiêm các quy định của của pháp luật về TCD, giải quyết KN,TC. Từng bước nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác TCD, giải quyết KN,TC, đồng thời cần có chế tài xử lý nghiêm túc trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước khi có vi phạm pháp luật về công tác TCD, giải quyết KN,TC; bố trí cán bộ làm công tác TCD và tham mưu giải quyết KN,TC có phẩm chất đạo đức, có kiến thức tốt về nghiệp vụ, có khả năng hướng dẫn, giải thích, thuyết phục để công dân hiểu và chấp hành đúng pháp luật. Với những giải pháp đồng bộ trên cùng sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan Nhà nước, chắc chắn, tình hình giải quyết KN,TC sẽ từng bước đạt được những kết quả nhất định, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp cho sự phát triển đất nước. thanhtra.com.vn
Thanh tra tỉnh Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai năm 2023 và định hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024
Khối thi đua các cơ quan tham mưu Nội chính tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Thanh tra tỉnh Hưng Yên dự Hội nghị Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2023, Phương hướng nhiệm vụ năm 2024
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra