Những kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác

(Thanh tra) - Đó là nội dung chính được truyền tải trong 7 chuyên đề kinh nghiệm được Thanh tra các tỉnh, TP trao đổi tại hội thảo nghiệp vụ thanh tra lần thứ 20 vừa diễn ra tại Cát Bà, Hải Phòng. Báo Thanh tra xin giới thiệu một số kinh nghiệm của một số tỉnh, TP.

Quảng Ninh: Tích cực phòng, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng

Thực hiện kế hoạch đề ra, năm 2012, ngành Thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thanh tra tại 333/400 công trình thuộc đề án kiên cố hoá trường học. Ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã giao các phòng nghiệp vụ thu thập tài liệu về cơ chế chính sách và các văn bản chỉ đạo liên quan đến đề án; nghiên cứu đề cương hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ để phục vụ các đoàn thanh tra; tổ chức hội nghị tập huấn cho lãnh đạo và cán bộ thanh tra các huyện, thị xã, TP trên địa bàn.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Thanh tra tỉnh thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng nội dung, tiến độ và kế hoạch thanh tra; báo cáo kết quả, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Thanh tra Chính phủ theo quy định.

Khi phát hiện các dạng sai phạm mang tính phổ biến như: Xác định số lượng nhu cầu công trình cần đầu tư kiên cố chưa phù hợp với mục tiêu của đề án - vượt nhu cầu cần thiết; thiếu các thủ tục về đất đai; trong hoạt động đầu tư sử dụng vật liệu, vật tư khác loại so với dự toán, áp dụng đơn giá không chính xác; sử dụng nguồn vốn không đúng quy định… Thanh tra tỉnh đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các đoàn thanh tra làm rõ để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả.

Kết quả, phát hiện 20,1 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh và thanh tra các huyện là 15,5 tỷ đồng, giảm trừ giá trị quyết toán 4,6 tỷ đồng.

Bắc Ninh: Quan tâm thu thập chứng cứ

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết, thời gian qua, ngành Thanh tra tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến hoạt động thu thập, xác minh chứng cứ trong quá trình thanh tra, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra.

Hoạt động thanh tra kinh tế - xã hội không để xảy ra tình trạng KN kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra.

Việc giải quyết KN, TC cơ bản dứt điểm, tỉ lệ giải quyết đạt trên 80%.

Phú Thọ: Tuyên truyền, giải thích cho công dân

Chia sẻ kinh nghiệm, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Ngọc Hanh nhấn mạnh: Điểm nổi bật trong công tác giải quyết KN, TC năm 2012 của tỉnh Phú Thọ là làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật, đối thoại trực tiếp với công dân nên số vụ việc giải quyết bằng biện pháp hòa giải, thuyết phục, công dân rút đơn, chấm dứt KN ngay trong quá trình xác minh chiếm tỷ lệ cao.

Thông qua công tác tham mưu, Thanh tra tỉnh Phú Thọ rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Coi công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của người đứng đầu các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị; lấy kết quả tổ chức tiếp công dân, giải quyết đơn thư KN, TC của công dân là một trong những điều kiện để đánh giá, xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và cá nhân người đứng đầu. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm của chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP, thủ trưởng các sở, ngành trong giải quyết đơn thư thuộc thẩm quyền. Thông qua thanh tra trách nhiệm để phát hiện, kiến nghị chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC, đồng thời xem xét kiến nghị phê bình người đứng đầu đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc.

Hải Phòng: Không né tránh khi phát hiện sai phạm

Theo Phó Chánh Thanh tra TP Vũ Minh Tuân, những năm qua, ngành Thanh tra TP Hải Phòng đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra diện rộng. Qua đó, Thanh tra TP Hải Phòng đã rút ra kinh nghiệm là công tác chỉ đạo thực hiện phải có được sự đồng thuận và chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan chuyên môn.

Sự chỉ đạo trực tiếp của ngành Thanh tra khi thực hiện thanh tra diện rộng, thể hiện qua việc lựa chọn, sắp xếp cán bộ thanh tra có đủ năng lực trình độ chuyên môn, nhất là vị trí trưởng đoàn thanh tra.

Về công tác thanh tra trực tiếp, phải nghiên cứu nhiều văn bản pháp luật, nội dung thanh tra bao quát hơn, toàn diện hơn, công tác tổng hợp nhiều hơn, phải đánh giá được toàn diện một lĩnh vực quản lý Nhà nước.

Báo cáo kết quả thanh tra phải khách quan, toàn diện, cụ thể, rõ ràng, không né tránh khi phát hiện các sai phạm. Phải chỉ rõ đích danh đối tượng sai phạm, xác định rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan; kiến nghị đúng và trúng…

Vĩnh Phúc: Tăng cường đối thoại


Trong những năm gần đây, tình hình KN,TC trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp tại một số nơi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; việc tranh chấp đất đai, đòi lại đất cũ…

Để giải quyết thấu tình đạt lý các vụ việc này, theo Phó Chánh Thanh tra tỉnh Trần Xuân Lâm, cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, đặc biệt là của người đứng đầu đối với việc kiểm tra, rà soát các vụ việc KN,TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tạo sự thống nhất giữa cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành về phương án giải quyết và chỉ đạo tổ chức thực hiện; tăng cường công tác tiếp công dân, tổ chức đối thoại.

Tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhiều lần trực tiếp tiếp công dân định kỳ, qua đó có ý kiến chỉ đạo kịp thời các cơ quan chuyên môn đối với nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài có hiệu quả. Coi trọng, làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, huy động sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương vào công tác hòa giải.

Hải Dương: Phổ biến pháp luật về thanh tra, KN,TC

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Nguyễn Thị Oanh cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về KN,TC ở tỉnh là một việc làm thường xuyên và liên tục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân.

Trong những năm gần đây, Thanh tra tỉnh Hải Dương luôn tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật trên Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh và Báo Hải Dương; phối hợp với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP mở 12 lớp cho các đối tượng là lãnh đạo phòng, ban chuyên môn, trưởng các đoàn thể của huyện, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, cán bộ làm công tác tiếp dân, thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp (mỗi lớp khoảng 200 người) do lãnh đạo Thanh tra tỉnh trực tiếp truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật KN, Luật TC, tập huấn về công tác tiếp dân, quy trình xử lý đơn thư, quy trình giải quyết KN,TC…

Hưng Yên: Từng bước đưa công tác PCTN đạt hiệu quả cao


Từ thực tiễn hoạt động quản lý Nhà nước về PCTN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, Thanh tra tỉnh đã rút ra một số kinh nghiệm như sau: Thanh tra tỉnh đã chủ động và phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN theo thẩm quyền; phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Luật PCTN, Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020.

Thanh tra tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN.

Thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết KN, TC giúp phát hiện tham nhũng. Những kiến nghị qua thanh tra, giải quyết KN,TC khắc phục những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, giảm thiểu cơ hội tham nhũng. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan như Ban Chỉ đạo PCTN, Công an, Viện Kiểm sát, Chi cục Kiểm lâm, Quản lý thị trường… trong việc cung cấp, xử lý thông tin và quản lý dữ liệu liên quan đến công tác PCTN.

Ánh Tuyết

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online