25/02/2011 | lượt xem: 4 Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010: Công chúng rất sẵn sàng tham gia chống tham nhũng (Thanh tra)- Theo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010 do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố mới đây, tham nhũng đã gia tăng trong 3 năm qua - nhận định của 6/10 người dân trên toàn thế giới. Đáng chú ý là, cứ 4 người thì lại có 1 người thừa nhận đã đưa hối lộ trong vòng 1 năm qua. Nhận định về xu hướng tham nhũng xấu đi nhất ở châu Âu và Bắc Mỹ. Cụ thể, lần lượt 73% và 67% số người được khảo sát cho rằng, tham nhũng đã gia tăng trong 3 năm qua ở 2 khu vực này. “Hậu quả của khủng hoảng tài chính tiếp tục tác động tới quan điểm của người dân đối với tham nhũng, đặc biệt ở châu Âu và Bắc Mỹ. Các cơ quan công quyền ở mọi nơi đều cần phải kiên quyết với nỗ lực tăng cường hiệu quả quản lý và cải thiện lòng tin”, Chủ tịch TI Huguette Labelle nhấn mạnh. Tin vui từ phong vũ biểu là công chúng rất sẵn sàng tham gia CTN và quan trọng hơn là họ tin tưởng sự tham gia của họ có thể tạo ra sự khác biệt. Nhiệt huyết và quyết tâm này phải được nuôi dưỡng và tiếp nhận vì có thể tăng cường quản trị nhà nước theo hướng có lợi cho người dân và cho xã hội nói chung. Sự tham gia của người dân, cả trong thực tế lẫn tiềm năng, sẽ tạo ra một sức ép mới tăng cường tính trách nhiệm của cả chính phủ và người dân, hình thành một hệ thống chống lại cả tham nhũng và hối lộ - Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010. Hối lộ nhỏ: Tăng ở nhiều quốc gia Kết quả khảo sát cho thấy, trong vòng 12 tháng qua, cứ 4 người thì có 1 người đưa hối lộ cho 1 trong 9 cơ quan công quyền hoặc dịch vụ công, từ y tế đến giáo dục và thuế. Trong đó, công an là cơ quan nhận hối lộ nhiều nhất theo ý kiến của những người được khảo sát. Cụ thể, 29% số người có giao dịch với công an nói rằng họ có đưa hối lộ. Phong vũ biểu 2010 còn cho thấy, những người được khảo sát ở châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ Latin đưa hối lộ nhiều hơn khi tiếp xúc với các cơ quan tư pháp. Những người ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi trả lời có mức độ đưa hối lộ cao nhất cho các dịch vụ đăng ký và cấp phép - gần như cùng tỉ lệ hối lộ cho công an. Người dân ở các quốc gia trong EU thì cho thấy, hải quan là dịch vụ có xu hướng nhiều hối lộ nhất, còn ở Bắc Mỹ lại là dịch vụ đất đai, mặc dù cả 2 khu vực có tỉ lệ hối lộ chung được khảo sát tương đối thấp. Những người ở tiểu sa mạc Sahara châu Phi đưa hối lộ nhiều nhất với tỉ lệ hơn 50% số người đã đưa hối lộ trong 12 tháng qua. Tại Trung Đông và Bắc Phi, có 36% số người được khảo sát cho biết đã đưa hối lộ. Con số tương tự ở Mỹ Latin là 23%; Tây Ban Căng và Thổ Nhĩ Kỳ là 19%; châu Á - Thái Bình Dương là 11%. Riêng ở châu Âu và Bắc Mỹ chỉ có 5%. Tại hơn 20 quốc gia, kết quả khảo sát cho thấy, hối lộ nhỏ tăng đáng kể so với năm 2006. Số người cho biết đưa hối lộ nhiều nhất năm 2010 thuộc về các quốc gia: Afghanistan, Campuchia, Cameroon, Ấn Độ, Iraq, Liberia, Nigeria, Palestine, Senegal, Sierra Leone và Uganda, với tỉ lệ hơn 50% người trả lời có đưa hối lộ trong vòng 12 tháng qua. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết, đã hối lộ để tránh những rắc rối với nhà chức trách. Hơn ¼ thì nói rằng, làm thế để đẩy nhanh quá trình giải quyết công việc. Người nghèo hối lộ nhiều hơn Đặc điểm nhân khẩu học của hối lộ tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến người nghèo và người trẻ tuổi. Theo khảo sát năm trước, những người có thu nhập thấp đưa hối lộ nhiều hơn những người có thu nhập cao. Những người nghèo có nguy cơ đưa hối lộ cao gấp 2 lần so với những người khá giả hơn trong các dịch vụ cơ bản như: Điện, nước, giáo dục, y tế. Khảo sát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nhất Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu của TI là khảo sát duy nhất trên phạm vi toàn cầu về tham nhũng, dựa trên quan điểm và trải nghiệm của người dân. Khảo sát quan điểm của công chúng, phong vũ biểu cung cấp một chỉ số cho thấy tham nhũng được nhìn nhận ở cấp độ quốc gia như thế nào và những nỗ lực phòng, CTN được đánh giá như thế nào trên thực tế trên phạm vi toàn cầu. Phong vũ biểu cũng đánh giá trải nghiệm tham nhũng của người dân trong năm trước đó. Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010 là khảo sát lần thứ bảy, thu nhận được phản hồi của 91.781 người dân ở 86 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần khảo sát ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhất cho tới nay (năm 2009 khảo sát chỉ được thực hiện tại 69 quốc gia và vùng lãnh thổ). Trong thời gian từ 1/6 - 30/9/2010, khảo sát (bao gồm phỏng vấn trực diện, điện thoại và trực tuyến) tập trung vào những hối lộ nhỏ, cảm nhận của công chúng về các cơ quan công quyền và nhìn nhận về những người mà công chúng tin cậy trong CTN. Trong đó, Gallup International thay mặt cho TI tiến hành khảo sát ở 84 quốc gia và vũng lãnh thổ. Tại Bangladesh, khảo sát được TI Bangladesh thực hiện. Còn ở Mông Cổ do Cơ quan Độc lập CTN của Mông Cổ tiến hành. Phong vũ biểu 2010 cũng cho thấy, người nghèo trên toàn cầu thường là đối tượng bị ảnh hưởng bởi hối lộ nhiều hơn. 8/9 dịch vụ, người sử dụng dịch vụ nằm trong nhóm người nghèo đưa hối lộ thường xuyên hơn so với những người có mức thu nhập cao hơn. Sự khác nhau lớn nhất nằm trong giao dịch với hải quan và dịch vụ đăng ký, cấp phép. Trong đó, người được khảo sát ở mức thu nhập thấp hơn tham gia hối lộ nhiều hơn. “Tham nhũng là một loại thuế đẩy lùi. Sự bất công này cần được giải quyết. Những người nghèo và những người cận nghèo dễ bị tổn thương nhất bởi sự méo mó này. Các chính phủ cần hành động mạnh hơn nữa để xác định nguy cơ rủi ro trong những dịch vụ công cơ bản và bảo vệ người dân”, Chủ tịch TI Huguette Labelle cảnh báo. Cũng theo kết quả khảo sát, 1/3 số người ở độ tuổi dưới 30 đã trả lời có đưa hối lộ trong vòng 12 tháng qua. Con số này ở những người thuộc độ tuổi từ 51 trở lên chỉ là 1/5. Phải bảo vệ người dũng cảm Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010 chỉ ra một điều rất đáng quan tâm là: Nhiều người thiếu tin tưởng vào các chính phủ và các chính trị gia. Thậm chí, đã có tới 8/10 người được hỏi cho rằng, các đảng phái chính trị có tham nhũng và tham nhũng nhiều nhất. Hệ thống công vụ và nghị viện được coi là đối tượng tham nhũng lớn tiếp theo. Cũng đã có tới một nửa trong số những người được hỏi nói rằng, hành động của các chính phủ chống tham nhũng (CTN) chưa hiệu quả. Điều này phản ánh thay đổi không đáng kể so với thời gian qua. Nhận định này trở nên tồi tệ hơn so với năm 2007 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Mỹ Latin và tiểu sa mạc Sahara châu Phi. Riêng tại các quốc gia mới độc lập NIS và Bắc Mỹ, nhận định về những nỗ lực CTN của chính phủ đã được cải thiện. Tuy nhiên, cũng chỉ có ¼ số người được hỏi cho biết vẫn tin tưởng nhất vào chính phủ trong đấu tranh CTN. Theo phong vũ biểu năm 2010 của TI, sự mâu thuẫn này phản ánh một số điều. Người dân có thể cảm nhận được quyết tâm chính trị, sự lạc quan hoặc thậm chí là tin tưởng vững vàng vào mục tiêu cốt lõi của chính phủ - hành động với tinh thần trách nhiệm, liêm chính và minh bạch, bởi người dân và vì người dân. Hoặc cũng có thể người dân cảm nhận được rằng, với sự giám sát và cân bằng với chính phủ bằng vai trò của giới truyền thông, với tỉ lệ được tín nhiệm là 1/4, sẽ tạo ra sức ép với chính phủ nhằm ngăn chặn tham nhũng. Một điều khác cũng đáng phải suy nghĩ là, mặc dù đại đa số người được khảo sát - 7/10 người - cho biết, người dân bình thường có thể làm nên sự khác biệt trong cuộc chiến CTN và nhất định ủng hộ bạn bè khi họ muốn tham gia vào cuộc đấu tranh này. Tuy nhiên, khi được hỏi về sự tham gia của chính bản thân họ, sự sẵn sàng có giảm đi phần nào: Một nửa số người được khảo sát nói rằng, họ có thể hình dung sẽ tham gia thế nào trong cuộc đấu tranh này. Xin nói thêm, tỉ lệ nam giới cao hơn so với nữ giới khi thể hiện họ sẵn sàng tham gia vào cuộc đấu tranh CTN (54% so với 45%). Cũng có sự khác nhau giữa các khu vực, xét về mức độ sẵn sàng tham gia. Cụ thể, mức độ sẵn sàng tham gia thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương (31%). Các quốc gia mới độc lập NIS cũng có tỉ lệ khá thấp trong câu hỏi này (53%). “Thông điệp từ phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2010 là tham nhũng là nguy cơ tiềm ẩn từ bên trong. Nó xói mòn lòng tin của công chúng. Dù vậy, tin vui là người dân sẵn sàng hành động”, bà Huguette Labelle nói và khẳng định: “Cần bảo vệ người “thổi còi” và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin tốt là hết sức thiết yếu. Sự tham gia của công chúng trong cuộc chiến CTN sẽ buộc những người có thẩm quyền phải hành động. Đồng thời, sẽ giúp cho người dân có thêm can đảm để tố cáo và đứng lên bảo vệ một thế giới minh bạch và sạch sẽ hơn”. Phong vũ biểu được sử dụng thế nào? Phong vũ biểu là nguồn dữ liệu thực chứng phong phú về quan điểm của công chúng và trải nghiệm của họ với tham nhũng. Các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng phong vũ biểu để hiểu rõ hơn về các cơ quan công quyền và dịch vụ công được đánh giá mức độ tham nhũng thế nào, hiểu rõ hơn về hình thức và tần suất của những hối lộ nhỏ và thấy được sự phân bổ nhân khẩu học của cả 2 yếu tố này. Ở cấp quốc gia, phong vũ biểu năm 2010 chứa đựng những thông tin hữu ích cho cải tổ chính sách và thiết kế những nghiên cứu sâu hơn nữa trong những lĩnh vực được công chúng đánh giá là tham nhũng nhất. Xã hội dân sự và báo chí có thể sử dụng dữ liệu phong vũ biểu để đánh giá tham nhũng hiện hữu ở đâu, nâng cao nhận thức về mức độ hối lộ ở một hay nhiều quốc gia và thúc đẩy sự thay đổi ở một quốc gia hay một tổ chức cụ thể. Các nhà nghiên cứu có thể sử dụng phong vũ biểu để khai thác các yếu tố quyết định cũng như hậu quả của tham nhũng và hối lộ ở nhiều quốc gia. Phong vũ biểu vừa đạt được sự tập trung đồng thời lại mở rộng số lượng các quốc gia được khảo sát khiến nó trở thành nguồn dữ liệu độc đáo trong cộng đồng nghiên cứu. Tiến Dũng
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng