Ban hành quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra: Nâng cao tính minh bạch

Theo Thanh tra Chính phủ, những năm qua, trong ngành thanh tra cũng đã xảy ra một số vụ việc lợi dụng công tác để vụ lợi làm ảnh hưởng đến uy tín, hiệu quả hoạt động của ngành. Trên thực tế cho thấy, nhiều vụ việc, sau thanh tra vẫn phát sinh khiếu nại, tố cáo. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 05/2011/TT-TTCp quy định về Phòng chống tham nhũng trong ngành Thanh tra, có hiệu lực từ ngày 1-3-2011.

 
                                                      Ảnh minh họa: TL
 
 
Tăng cường công khai, minh bạch
 Thông tư mới ban hành đặc biệt tập trung vào vấn đề công khai minh bạch. Trước hết, yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải minh bạch, công khai các quy định của pháp luật. Các hoạt động của thanh tra đều được công khai như: Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các quy định của pháp luật về thanh tra, chương trình, kế hoạch thanh tra hàng năm đã được phê duyệt... Thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức liên quan hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng việc phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Trong giải quyết khiếu nại, tố cáo: Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các quy định của pháp luật về khiếu nại và giải quyết khiếu nại tố cáo; phân công chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại; kết quả thực hiện các kiến nghị, quyết định giải quyết khiếu nại ngay sau khi người có thẩm quyền ký, duyệt; Thông báo bằng văn bản đến người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông báo thụ lý giải quyết khiếu nại... Lĩnh vực giải quyết tố cáo cũng được quy định tương tự.

Đặc biệt, trong hoạt động phòng, chống tham nhũng sẽ được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử các quy định của pháp luật, các chương trình, kế hoạch, đề án về phòng, chống tham nhũng, báo cáo phòng, chống tham nhũng v.v..
 
Đến những biện pháp trên từng lĩnh vực cụ thể
Phòng chống tham nhũng trong ngành thanh tra cũng được quy định cụ thể trên một số lĩnh vực khác: Ví như trong công tác tổ chức cán bộ với các quy định thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện; xây dựng, thực hiện tiêu chuẩn chức danh, chế độ đãi ngộ phù hợp; thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, chế độ, quy trình, quy chế về quy hoạch, kế hoạch, tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, điều động luân chuyển, biệt phái, nhận xét, đánh giá cán bộ, phân bổ chỉ tiêu biên chế, giải quyết chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức trên cơ sở phân công, phân cấp rõ ràng.  Như vấn đề công khai, minh bạch trong công tác tổ chức - cán bộ, quy định: Công khai việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với đối tượng dự tuyển và niêm yết tại trụ sở cơ quan. Chậm nhất là 15 ngày làm việc đối với số lượng, tiêu chuẩn, hình thức, thời gian tuyển dụng, sau khi kế hoạch tuyển dụng được phê duyệt. Chậm nhất là 3 ngày đối với kết quả sơ tuyển, sát hạch, thi, kết quả tuyển dụng được phê duyệt.v.v

Ngoài ra, thông tư cũng nêu rõ các quy định trong hoạt động khoa học, xây dựng thể chế, đào tạo, bồi dưỡng và đối ngoại như việc thực hiện đúng, công khai, minh bạch các quy định của pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, quy trình công tác trong xét, giao đề tài, phân bổ chỉ tiêu đào tạo, đánh giá, nghiệm thu, kiểm tra, cấp chứng chỉ... Trong quản lý tài chính, tài sản phải thực hiện đúng các quy định và tăng cường các hình thức công khai về tiêu chuẩn, định mức, nguyên tắc thu, chi, sử dụng các nguồn tài chính, chế độ thống kê, kế toán, báo cáo tài chính...

K.Long