31/10/2011 | lượt xem: 6 Tiếp tục cho ý kiến dự án Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo Sáng 12/10, tại phiên họp thứ 3, UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề còn khác nhau của hai dự án Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại Theo Ủy ban Pháp luật, dự án Luật Tố cáo hiện có hai vấn đề còn chưa đạt sự thống nhất cao là về chủ thể tố cáo và hình thức tố cáo. Tại phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đều nhất trí với đề nghị của Thường trực Ủy ban Pháp luật, chỉ thể hiện các quy định của dự thảo Luật theo hướng công dân có quyền tố cáo như đề nghị của Chính phủ mà không mở rộng quyền tố cáo cho cơ quan, tố chức. Bên cạnh đó, việc Luật quy định bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại cũng được UBTVQH tán thành. Trước đó, ở phiên họp thứ nhất, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại có thể bị lợi dụng để phát tán đơn thư, thông tin về việc tố cáo, đưa thông tin về tố cáo lên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác, có thể làm tăng khối lượng đơn thư tố cáo cần giải quyết, gây áp lực hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, để hạn chế và tiến đến ngăn chặn tình trạng này theo Thường trực UBPL thì cần có quy định nghiêm cấm các hình thức lợi dụng quyền tố cáo và quy định các chế tài đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi này, còn trên thực tế “những hành vi lợi dụng quyền tố cáo vào những mục đích trên vẫn diễn ra ngay cả khi luật không có quy định về tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử”, Thường trực UBPL khẳng định. Đối với dự án Luật Khiếu nại, hầu hết các đại biểu tập trung mối quan tâm vào vấn đề khiếu nại đông người và tiếp công dân. Về khiếu nại đông người, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, ban soạn thảo đã đưa vào luật những điều cơ bản và tiếp tục hướng dẫn để giải quyết khiếu nại đông người, tuy nhiên cần phải làm sao để cho quy định có tính khả thi. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, liệu việc chấp nhận khiếu nại đông người có đảm bảo không khuyến khích khiếu nại, tố cáo đông người? Và có chắc chắn rằng khi xảy ra những vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người thì sẽ không có tình trạng “bí” không giải quyết được? Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, xét về bản chất, đa số các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người là phản ứng về một chủ trương, chính sách chứ không phải là phản ứng một quyết định hành chính cá biệt, do đó, điều quan trọng là cách ứng xử với quan hệ này như thế nào? Cũng theo Phó Tổng Thanh tra, một số điểm cần phải được xem xét lại, đặc biệt là cách thể hiện như khoản 4 Điều 8 của dự thảo Luật, trong đó quy định đối với khiếu nại đông người thì người khiếu nại phải ký vào văn bản do người tiếp nhận ghi đã được đọc lại cho mọi người cùng nghe. “Chỗ này hoàn toàn không ổn”, Phó Tổng Thanh tra phát biểu, “đọc lại để thống nhất hay sao? thử hỏi nếu có 1000 người tham gia thì liệu họ có đồng ý với ghi chép của một cán bộ hay không? Còn nếu ký thì ký như thế nào, cả 1000 người ký vào đó hay sao? Trình tự, thủ tục ký như thế nào?”. Liên quan đến quy định về tiếp công dân, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cũng cho biết, qua tổng kết cho thấy, có nhiều ý kiến đề nghị không duy trì tiếp công dân tập trung. Tuy nhiên, nếu không có trụ sở tiếp dân tập trung thì người dân vẫn đến đông, mà sẽ đến chủ yếu ở các cơ quan công quyền và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Do đó, giải pháp hợp lý là vừa tiếp dân tập trung vừa phải tăng cường trách nhiệm tiếp công dân của từng cơ quan, tổ chức. Về trụ sở tiếp công dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, Luật Khiếu nại cần quy định cụ thể cơ quan, địa phương phải nêu rõ trụ sở, địa điểm, thời gian tiếp công dân của cơ quan, địa phương mình. Bên cạnh đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, ngoài việc tiếp nhận đơn khiếu nại, trụ sở tiếp dân phải có trách nhiệm chuyển đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết và theo dõi sự phản hồi của cơ quan đó. Khi có kết quả trả lời đơn, thư khiếu nại, cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại cần thông báo sớm nhất cho người dân, tránh hiện tượng cán bộ tiếp dân cố tình “găm, giữ” kết quả giải quyết, gây khó khăn cho dân, dẫn đến khiếu nại vượt cấp, kéo dài. Phó Tổng thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cũng nêu ý kiến, nếu một vụ việc mà có nhiều người đến khiếu nại thì cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại nên yêu cầu một người đại diện đứng ra khiếu nại, không nên để nhiều người cùng vào cơ quan tiếp nhận đơn khiếu nại một lúc, vì sẽ gây ra hiện tượng mất an ninh trật tự. Ngoài những vấn đề trên, UBPL cho biết đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật./. Theo Thanhtravietnam.vn
Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư Quy định về mẫu Thẻ thanh tra và việc cấp, quản lý, sử dụng Thẻ thanh tra
Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư Quy định chế độ báo cáo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành
Thông tư 02/2023/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ: Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương
Tiếp tục triển khai quản lý, cập nhật, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố các, kiến nghị, phản ánh
Hội nghị tập huấn công tác quản lý, thực hiện, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh